Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2007

Đồi gió hú

Emily Bronte


Tên sách: Đồi gió hú
Tác giả: Emily Bronte
Dịch giả: Dương Tường


ĐỒI GIÓ HÚ, câu chuyện cổ điển về tình yêu ngang trái và tham vọng chiếm hữu, cuốn tiểu thuyết dữ dội và bí ẩn về Catherine Earnshaw, cô con gái nổi loạn của gia đình Earnshaw, với gã đàn ông thô ráp và điên rồ mà cha cô mang về nhà rồi đặt tên là Heathcliff, được trình diễn trên cái nền những đồng truông, quả đồi nước Anh cô quạnh và ban sơ không kém gì chính tình yêu của họ. Từ nhỏ đến lớn, sự gắn bó của họ ngày càng trở nên ám ảnh. Gia đình, địa vị xã hội, và cả số phận rắp tâm chống lại họ, bản tính dữ dội và ghen tuông tột độ cũng hủy diệt họ, vậy nên toàn bộ thời gian hai con người yêu nhau đó đã sống trong thù hận và tuyệt vọng, mà cái chết đó có ý nghĩa khởi đầu. Một khởi đầu mới để hai linh hồn mãnh liệt đó được tự do tái ngộ, khi những cơn gió hoang vắng và điên cuồng tràn về quanh các lâu đài trong ĐỒI GIÓ HÚ...


(songhuong.com.vn)

Kiếp sau


Marc Levy



Một cốt truyện hấp dẫn có sự hòa trộn của nhiều yếu tố: tâm linh, trinh thám, lãng mạn. Một lối viết không dụng đến những ẩn dụ khó hiểu. Một môtip đậm chất cổ tích. Và hơn hết, đó là câu chuyện kể xúc động về một tình yêu bất tử.


Tên sách: Kiếp sau
Tác giả: Marc Levy
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn


Một con người lần đầu gặp gỡ, một ngõ phố lần đầu đi qua, một đồ vật lần đầu chạm tới... thế nhưng thay vì cảm giác kỳ lạ là sự thân thuộc, thay vì sự háo hức trước cái mới là mối băn khoăn lục tìm trong ký ức, và thay vì lý trí tỉnh táo là trực cảm mơ hồ. Những khoảnh khắc ấy, có lẽ, không ít người từng gặp trong đời. Marc Levy, nhà văn của tình yêu, của sự tái sinh, của những điều bí ẩn, người kể chuyện đi trên ranh giới mong manh giữa hai cõi sống - chết, đã nối liền những khoảnh khắc vụt hiện ấy bằng trí tưởng tượng kỳ diệu, bằng trái tim mẫn cảm và một văn phong tinh tế, mượt mà trong Kiếp sau - cuốn tiểu thuyết từng làm rung động hàng triệu trái tim người Pháp năm 2004.


Kiếp sau được tạp chí Paris Match ngợi ca là một Romeo và Juliet của hôm nay. Chàng Romeo hiện đại có tên Jonathan - một nhà phê bình hội họa danh tiếng, người say mê những tác phẩm của Vladimir Radskin như một định mệnh, và Juliet là Clara - chủ phòng tranh tại London, người được thừa kế biệt thự nơi Radskin đã sống và sáng tác cuối đời. Hai con người, hai miền đất, hai số phận đã được kết nối bằng bức tranh huyền thoại Thiếu nữ áo đỏ của Radskin. Trên hành trình đi tìm giá trị thực cho bức tranh, cả hai đã dần khám phá ra những bí ẩn về thân phận của mỗi người, về một tình yêu mãnh liệt và trắc trở từ nhiều kiếp trước. Câu chuyện kết thúc, lãng mạn và đau đớn như mối tình của Romeo và Juliet năm xưa, Jonathan đã chọn cái chết để được ở gần Clara, và để nuôi dưỡng một tình yêu bất tử, điều sẽ khiến họ thuộc về nhau mãi mãi ở kiếp sau.


Một cốt truyện hấp dẫn có sự hòa trộn của nhiều yếu tố: tâm linh, trinh thám, lãng mạn. Một lối viết không dụng đến những ẩn dụ khó hiểu. Một môtip đậm chất cổ tích. Có lẽ, những yếu tố ấy đã làm nên sự thành công cho Kiếp sau. Người ta khó có thể tìm thấy ở đây sự cách tân độc đáo nào về mặt nghệ thuật, thay vào đó, cảm xúc mãnh liệt là điểm mạnh trong sáng tác của Marc Levy nói chung, Kiếp sau nói riêng. Văn học ngày nay đang dần xa những mối tình kiểu Romeo - Juliet (Romeo và Juliet) hay Heathcliff - Catherine Earnshaw (Đồi gió hú), điều đó khiến người đọc cũng dần quên những mơ mộng về một tình yêu bất tử. Marc Levy, bằng sự mẫn cảm đặc biệt, đã biến những mơ mộng bị lãng quên ấy thành hiện thực trong cuốn tiểu thuyết của mình. Hơn cả sự say đắm thường thấy, tình yêu của Jonathan và Clara như một sự sắp đặt của vận mệnh, họ là của nhau, họ thuộc về nhau, họ sinh ra cho nhau, chết vì nhau, và tái sinh vĩnh viễn để tìm nhau. Điều đó giản dị và thiêng liêng như hơi thở, như sự sống.


Để khẳng định sức mạnh tình yêu giữa Jonathan và Clara, Marc Levy đã đặt hai nhân vật ở giới hạn cuối cùng của đời người: cái chết. Và một lần nữa, ông khiến độc giả ngỡ ngàng xúc động vì sự bất lực của cái chết trước mối tình bất tử: "Em có tin rằng người ta yêu nhau tới mức cái chết cũng không xóa được ký ức không? Em có tin rằng tình cảm sẽ tồn tại vĩnh cửu và mang lại sự sống cho con người không? Em có tin rằng thời gian có thể mãi mãi tái hợp những người yêu nhau mãnh liệt đến độ không bao giờ mất nhau? Em có tin điều đó không, Clara?". Hai nhân vật của Marc Levy đã sống hết mình cho niềm tin ấy từ kiếp này qua kiếp khác, họ giúp độc giả nhận ra rằng: mạnh hơn cả lòng hận thù, mạnh hơn cả cái chết, nguồn năng lượng hồi sinh những linh hồn, đó là tình yêu mãnh liệt.


Với Kiếp sau, ta được gặp lại một Marc Levy trầm tĩnh, lịch lãm và hòa hoa, nhà văn đã khiến nhiều độc giả Việt Nam rung động qua tiểu thuyết được xuất bản cách đây không lâu Nếu em không phải giấc mơ. Đọc Kiếp sau, nhiều người hiểu rằng tại sao Marc Levy lại có sức hút mãnh liệt đến vậy tại Pháp cũng như trên toàn thế giới, và Nếu em không phải giấc mơ cũng như Kiếp sau chỉ là bước khởi đầu ấn tượng cho sự xuất hiện của Marc Levy tại Việt Nam.



Hoàng Lan
(evan.com.vn)

Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể

Goscinny & Sempé


Sức mạnh của cuốn sách này là có thể cuốn hút cả trẻ con cũng như người lớn. Trẻ con thì thấy giống quá, người lớn thì thấy nhớ quá...
Bìa cuốn "Nhóc Nicolas:
Những chuyện chưa kể".
Tên sách: Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể
- Tác giả: Goscinny và Sempé
- Người dịch: Trác Phong - Hương Lan
- NXB Hội Nhà văn và công ty Nhã Nam.


Một cuốn sách nặng chịch, dày hơn 400 trang - kể ra là một thách thức không nhỏ trong thời buổi con người ta đang bị cuốn vào những lo toan kinh tế thường nhật. Nhưng nếu bạn đã lướt qua hình ảnh một chú nhóc thoạt đầu đã thấy siêu quậy trên trang bìa, lại chăm chú trước hai cái tên Goscinny và Sempé. Nhất là Goscinny, người đã sáng tạo ra Lucky Luke, những cuộc phiêu lưu của Astérix... Còn chần chừ gì nữa mà không lật những trang sách đầu tiên nhỉ?


Trò hờn dỗi luôn được nhóc Nicolas gào lên ở mọi lúc, mọi nơi khi nó gặp phải chuyện gì không vừa ý. Từ việc làn da đỏ au khi đi biển về không kiếm đâu bạn thân để ngắm, lần đầu tiên ăn cơm ở trường cảm giác đáng sợ làm sao, phải làm bài tập số học kinh hoàng đến thế nào, vì điểm “Không” môn Ngữ pháp nên bị cấm xem phim... cho tới hôm bài chính tả ít lỗi nhất lớp không được bố mẹ xem xột nghiêm chỉnh. Nhúc Nicolas lặp mãi bài ca: Nếu cứ bị mọi người ép sẽ phát chán mà bỏ nhà ra đi, sẽ bị chết và cả nhà tha hồ mà thương tiếc...


Nhưng Nicolas chẳng mấy khi thành công với trò ăn vạ đó, bởi nó bị bố mẹ lờ như không biết chuyện gì xảy ra. Nicolas cũng chẳng phật lòng, bởi ngay lập tức cu cậu tìm cho mình vô khối trò chơi mới. Đụng đâu cũng đổ vỡ, càng cố gắng ngoan càng làm hỏng nhiều việc. Như cái lần giúp Clotaine chuyển nhà, cả bọn đã phá tung cái thùng đã nhét chặt đồ đạc bên trong khiến bố của Clotaine đành rút tiền tống chúng vào rạp xem phim. Chỉ vì thèm món bánh nhân táo, Nicolas buộc phải ngoan, bằng cách dẫu chơi bi thắng thằng bạn thân đành móc trả vì sợ nó gào lờn mình sẽ bị phạt; bằng cách đành phải xé trang trong cuốn sách bà tặng, vì lỡ bố lên phòng bắt gặp sẽ đi đời món bánh táo; đến nỗi nó suýt oà khóc vì đã không được chơi chỉ tại “món bánh kem đểu cáng”. Còn lần nhóc tự dọn nhà cửa thì ôi thôi. Cái máy bay bay thử đã làm vỡ một cỏi bình ở phòng ăn. Lấy dao cạo điện của bố để cạo lông con gấu thì dao bị hỏng. Sắp xếp đồ chơi vào tủ thì không vừa nên nó vứt qua cửa sổ làm vỡ cái vòm kính. Muốn dọn đống kính vỡ thì làm hỏng tiếp máy hút bụi. Nổi hứng lau nhà nên làm vỡ cái liễn đẹp nhất của mẹ, chưa kể 2 cái đĩa và kèm theo là nước chảy lênh láng khắp nhà.


Những người lớn trong câu chuyện cũng quậy ra trò. Mẹ suốt ngày gào lên quá bức bối với chuyện suốt ngày phải lo cơm nước. Bố cũng hay cáu vì công việc quá bận rộn, về nhà lại phải giúp Nicolas làm môn số học và tập làm văn. Cũng tại bố tính kém nên thỉnh thoảng bài số học của Nicolas bị điểm “Không”. Thầy giáo giám sát giờ ra chơi, sau một hồi ngắm nghía lũ trẻ nghịch cũng nhảy vào bày trò đến nỗi bị thôi việc. Bác hàng xóm Blédurt luôn tìm cách cãi cọ với bố, từ cuộc chơi bóng chày cho đến vụ ầm ĩ với cây kèn trompét. Cô giáo được tụi trẻ vô cùng yêu quý đành bất lực khi buổi xem xiếc bị gác giữa chừng vì lũ học trũ không chịu ngồi im. Còn vụ dự giờ của các ông bố bà mẹ thành một cuộc tính nhẩm bài toán trên bảng, mà rất tiếc không có ai tìm ra đáp số đúng.


Cả một rừng những câu chuyện hết sức vặt vãnh như vậy đó được dựng lên thành một không gian riêng của Nhóc Nicolas. Các câu chuyện được kể ra với góc nhìn trẻ con ngây thơ, láu lỉnh khi Nicolas tìm mọi cách để bào chữa cho những sai lầm của mình, từ những sai sót khủng khiếp thành những kết luận chẳng có gì nghiêm trọng. Những câu chuyện dẫn dắt người đọc đi từ thú vị này sang ngỡ ngàng khác. Giản dị và thân thiết như thể có mình trong đó. Bông đùa nhưng có chiều sâu, bởi nó níu kéo mọi người quay về tuổi thơ ngọt ngào của những niềm vui. Đằng sau các câu chuyện luôn lắng lại đôi điều buộc người ta ngẫm nghĩ, như thể bố mẹ cứ buộc con cỏá phải nghiêm túc, trong khi họ cũng nghịch ngợm biết mấy, hoặc bố thằng Geoffroy giàu tới mức nhà có cả hồ bơi, đồ chơi hiện đại đó phải lái xe đến nhà Nicolas hỏi thăm món đồ chơi cũ do bố cậu bé tự làm và quyết tự mình làm bằng được cho con trai.


48 mẩu truyện ngắn được sắp xếp trong 3 chương (quyển 1) giúp độc giả dễ theo dõi hơn những cuộc phiêu lưu gắn với hình ảnh đụng đâu hỏng đấy của nhóc Nicolas và các bạn. Làm quen với những đứa trẻ quậy như quỷ sứ ấy, bạn sẽ chợt có một tình cảm dịu êm vô bờ bến, một sự dịu dàng mà từ ấu thơ người ta vẫn dành cho người mình vô cùng yêu thương.

(evan.com.vn)


Sau quá nhiều những cuốn sách “nặng” (đúng nghĩa đen và nghĩa bóng), người ta bỗng dưng thèm một cái gì đó nhẹ nhàng, dễ thương, hóm hỉnh. Và lúc đó, người ta bắt gặp Nhóc Nicolas.


Với 48 mẩu chuyện, bạn sẽ được nghe nhóc Nicolas kể về gia đình, hàng xóm, bạn bè, trường lớp với cái nhìn dưới lăng kính láu lỉnh nhưng cực kì hồn nhiên đậm chất “nhóc”.


Với Nicolas, người lớn quả là một thế giới cực kì mâu thuẫn. Những điều mâu thuẫn của người lớn phơi bày dưới con mắt của trẻ con rõ ràng, minh bạch một cách ngộ nghĩnh. Nó như bài đại số mà Nicolas không thể giải được, bèn quẳng đó bỏ đi chơi, thế thôi.


Ngoài mối quan hệ với những người lớn đầy mâu thuẫn, Nicolas còn có một thế giới riêng đầy thú vị. Nicolas là một thằng nhóc giàu trí tưởng tượng, nên trong lúc khóc lóc, cậu nhóc thường kể lể lý sự để biện chứng cho đòi hỏi của mình một cách rất ngô nghê. Những trường đoạn khóc lóc kể lể ấy lặp đi lặp lại trong mỗi mẩu chuyện mỗi khi Nicolas cần xin xỏ một điều gì đó, tạo nên một nét tính cách hài hước, đặc trưng và … rất Nicolas.


Và còn nữa một thế giới về những đứa bạn của Nicolas đầy màu sắc: Agnan học giỏi và luôn là cục cưng của cô giáo, Alceste mập ú suốt ngày nhai tóp tép một thứ gì đó, Geoffroy nhà giàu suốt ngày chơi trò hóa trang thành nhân vật mình yêu thích, Eudes hùng hổ lúc nào cũng chỉ muốn tống cho người khác một quả vào mũi…

Thật ra thì Nhóc Nicolas là ai? Đó là một thằng nhóc như mọi thằng nhóc bình thường khác, chỉ khác hơn là những câu chuyện hài hước về Nicolas được kể lại bởi ngòi bút độc đáo của Goscinny - cũng là “bố đẻ” của Lucky Luke và những hình ảnh minh họa tuyệt vời của Sempé - một nhà hí họa rất nổi tiếng ở Pháp.


Đọc Nhóc Nicolas không đơn thuần chỉ để cười với những trò nghịch ngợm của cậu nhóc và bạn bè, mà còn để nhận ra tình gia đình, tình bạn bè, mối quan hệ giữa người và người ẩn dưới mỗi câu chuyện tưởng như bông đùa kia…


Vậy tại sao người ta say mê Nhóc Nicolas? Đơn giản, trong mỗi đứa trẻ tiềm ẩn một thế giới diệu kì; chỉ là vì người lớn không đủ thời gian và cũng không quan tâm để nhận ra điều đó mà thôi. Thế cho nên Goscinny và Sempé sẽ kể cho chúng ta nghe!


T.NGÂN

Vị đắng những chuyến đi xa




Một thông điệp của hi vọng


TT - Trần Ngọc Châu là một sinh viên lành tính, dễ mềm lòng trước cái đẹp, biết làm thơ và có người đọc từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.


Trước tháng 4-1975 anh đi dạy học, năm 1976 anh đi thanh niên xung phong, tiếp tục làm thơ và viết báo. Anh có bạn đọc trước khi được mời làm phóng viên báo Tuổi Trẻ, rồi trở thành phó tổng biên tập của nhóm Thời báo Kinh Tế Sài Gòn.


Anh trở thành phóng viên kinh tế khi đất nước rơi vào khủng hoảng, kinh tế tiêu điều, nhân tâm ly tán. Anh là người sớm thất vọng và tự vượt qua những phút yếu lòng bằng cách thức của riêng mình, một cây bút phóng sự và ký sự biết lắng nghe sự mách bảo và kêu đòi của cuộc sống, vốn không khoan nhượng với những trật tự lỗi thời.


Khi thị trường còn là điều cấm kỵ, anh kết bạn với những doanh nhân dám mở cửa nhà máy đặt quan hệ với thị trường. Khi đất nước còn bị đóng cửa, anh làm người đưa tin cần mẫn biết bước qua những biên giới tạm thời để tìm ra những giá trị không biên giới. Anh để đầu óc tự do rộng mở tiêu hóa vị đắng của những chuyến đi xa và chia sẻ với người đọc những thông điệp của niềm hi vọng.


36 ký sự đường xa cũng bởi vậy là 36 nỗi nhớ quê nhà, của một người dẫu có bước ra trăm nẻo đường xa thì cũng chỉ để trở về...


HUỲNH SƠN PHƯỚC

Biển

Banville, John


Cuốn sách đoạt giải Booker 2005 của John Banville, qua sự chuyển ngữ bậc thày của Trịnh Lữ, một "tác phẩm ngôn từ" đã được tái hiện đẹp đẽ trong tiếng Việt.



Tên sách: Biển
Tác giả: John Banville
Dịch giả: Trịnh Lữ
Nhà xuất bản Văn học



Biển được thuật lại bởi Max Morden, một người đàn ông mới góa vợ. Ông đến một vùng nghỉ mát ven biển nơi mình đã trải qua kỳ nghỉ hè với cha mẹ khi còn là một đứa trẻ. Bề ngoài, ông đang làm một khảo cứu về họa sĩ Bonnard, nhưng thực chất chính sự lôi cuốn của biển và quá khứ đã dẫn ông về đây. Vẫn đau buồn về cái chết của người vợ Anna, vẫn vật lộn với nỗi đau phải chứng kiến người thân yêu của mình mòn mỏi rồi ra đi, trong khi bản thân mình vẫn tồn tại, cùng nỗi khó khăn khi phải tiếp tục sống, một mình.
Bìa cuốn "Biển".


Sự lôi cuốn của biển nơi vùng đất riêng biệt này trở nên mạnh mẽ với những lý do không phải đã rõ ràng ngay lập tức. Nhưng đó không chỉ đơn thuần là nỗi hoài tiếc tuổi thơ đã mất, hay một chuyến trở về với mảnh đất hạnh phúc, an toàn và giản dị hơn của ngày xưa. Quả thực, còn có bóng tối, sự dữ dội và tiêu điều của vùng biển, gợi lại một ký ức vừa ngọt ngào vừa đau đớn.


Câu chuyện là sự trở đi trở lại giữa hiện tại và quá khứ, giữa chuyện mới xảy ra, cái năm tai họạ khi Anna suy sụp rồi chết, tới mùa hè thời niên thiếu khi cậu bé Max Morden trải qua cùng với gia đình Grace, một gia đình trung lưu đã đến vùng biển để nghỉ hè. Đầu tiên cậu bị người mẹ thu hút, nhưng khi đến gần hơn hai đứa con sinh đôi nhà Grace, Chloe và Myles câm lặng, thì rốt cuộc, cậu quay sang mê mẩn cô con gái. Sự thất thường kỳ dị của Chloe, và mối quan hệ gần gũi của cô gái này với đứa em trai – một mối liên kết không thể hiểu nối với người ngoài - đã là một điều bí ẩn đối với Max, theo cái cách thế giới với tất cả những điều còn chưa biết đến của nó đều khiến những đứa trẻ vừa mê mẩn vừa hạnh phúc, cái thế giới nguyên sơ, tăm tối, đầy cảm giác đó. Rồi cái chết sau đó của hai chị em sinh đôi, như một chấn thương đầu đời của Max, cũng là lần đầu tiên cái chết hiện ra, đột ngột, lạnh lẽo, đơn giản, không thể hiểu nổi với một đứa trẻ. Sau này, cái chết của Anna vừa đồng vọng, vừa làm sống dậy những ký ức sâu sa đó, trên cái nền vĩ đại và sống động của biển.


Với Biển của Banville, ký ức cũng có thể chơi trò chơi của mình, và hành trang của Max chính là một hòa trộn giữa những sự kiện sáng rõ và những câu hỏi tự thân. Banville đã miêu tả một cách bậc thày, việc chúng ta sống lại quá khứ như thế nào - quá khứ là một hòa trộn giữa những ký ức ta chọn và những ký ức thống trị ta, và những chuyển dịch giữa sáng rõ tuyệt đối và mơ hồ mơ mộng. Max tưởng tượng mình đang sống đơn độc trong những ký ức được nhớ lại từ quá khứ, nhưng ông nhận ra - và từng bước chứng thực - rằng ký ức không thường hằng, cái dải mờ có khe rạn đó, rằng nó, quả thực như một sự cương phồng khổng lồ vĩnh viễn đổi thay, đó chính là biển cả.


Biển mang lại cho ta cảm giác về một câu chuyện thật tình cờ, một người đàn ông buồn khổ uống quá nhiều rượu và suy ngẫm lại cuộc sống một cách ngẫu nhiên. Những cú nhảy giữa hiện tại, quá khứ với Anna và thời thơ ấu của Max, hầu như đã che giấu việc câu chuyện đã được xây dựng xuất sắc đến mức nào, với biết bao những manh mối nhỏ về những điều khác biệt được rải rác cài trong các đoạn. Đó là cuốn sách xứng đáng để ta đọc đi đọc lại nhiều lần. Cũng như vậy, ngôn từ của Banville có thể làm độc giả choáng ngợp, với những câu như “bát nước khổng lồ kia đang cương phồng lên như một vết phỏng rộp xanh lét bóng nhẫy một cách ác hiểm” và cứ như thế... Ở đây, tình tiết đã bị đe dọa lấn át bởi phong cách.


Cuối cùng, chỉ xin dẫn lời của John Crowley của tờ The Washington Post dành cho tác phẩm xuất sắc đoạt giải Booker 2005 của một bậc thày về ngôn từ của không chỉ văn chương nước Anh:


"Dường như Max (và người sáng tạo ra mình) không chỉ tham gia vào việc tạo nên những hành động của nhân vật xuyên qua thời gian - một công việc bình thường của tiểu thuyết - mà vẽ nên những khoảnh khắc khi tất cả đã ngưng đọng lại, như trong một bài thơ hay một bức tranh... Sức mạnh, sự lạ lùng, và vẻ đẹp của những đoạn văn trong đó chính là tất cả, và là một điều kỳ diệu".


Sự kỳ diệu đó có thể được cảm nhận đầy đặn qua một bản dịch có thể được coi như một dấu son trong sự nghiệp dịch của bất kỳ một dịch giả tài ba nào. Quả thực, lần này nữa là với Biển, Trịnh Lữ đã làm được nhiều cho tình yêu của ông dành cho tiếng Việt mẹ đẻ.


Anh Minh tổng hợp
(evan.com.vn)




Kitchen

Yoshimoto, Banana


Một câu chuyện về sự mẫn cảm và bản chất ưa tình cảm của con người, với vẻ đẹp riêng hiếm có, vừa quẩn quanh lại vừa mênh mang, đã mang tên tuổi Banana Yoshimoto ra khắp thế giới.


Tên sách: Kitchen
Tác giả: Banana Yoshimoto
Dịch giả: Lương Việt Dzũng
Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam


Banana Yoshimoto có lẽ là một cái tên ít nhiều còn xa lạ với độc giả Việt Nam, tuy rằng đã gần hai mươi năm nay, cô gái viết văn này đã tạo nên một cơn sốt gọi là "Banana ghenso" (hiện tượng Banana) giữa những người yêu thích thứ văn chương nghiêng về nội tâm của cô, và có lẽ, đã vượt qua được cái nhất thời của một cây bút trẻ và thời thượng bởi những phẩm chất có thực về văn chương và tinh thần, trở thành một tiếng nói vô cùng hấp dẫn của văn học Nhật. Cùng với những tên tuổi như Haruki Murakami và Ryu Murakami... Banana Yoshimoto, với một lối biểu cảm đơn giản, hiện đại, trong đó cuộc sống cân bằng của cá nhân là một trong những chủ đề xuyên suốt nhất, đã thực sự góp phần thay đổi bộ mặt của văn học Nhật Bản hiện đại.


Bìa cuốn "Kitchen"
"Còn lại tôi và bếp. Dẫu sao như thế vẫn còn hơn nghĩ rằng chỉ còn lại một mình".


Banana Yoshimoto được biết đến đầu tiên, chính là nhờ thiên truyện Kitchen này. Tác phẩm ra đời năm 1987, gắn liền với tên tuổi của cô như một dấu son trên văn nghiệp. Chuyện về một cô gái yêu bếp. Bếp là sự phản chiếu của con mèo đi tìm hơi ấm trong cô, là tiểu vũ trụ của một cô gái đô thị Nhật Bản đang buồn rầu, cô độc. Rồi trong căn bếp nơi một gia đình nọ, có một chàng trai và một người mẹ do người cha cải giới thành, cô tìm ra vẻ đẹp tâm hồn và sự ấm áp trong cuộc sống con người. Khi cô rời xa họ, bà mẹ mà cô đem lòng thương mến bất ngờ bị cái chết mang đi. Trong nỗi đau đớn, sự đồng điệu với người con trai càng trở nên sâu sắc... Và câu chuyện đơn giản và đơn tuyến đó, rút cục lại có thể khiến người ta cảm động một cách cổ điển nhất, làm rơi đi cái vỏ của văn hóa đại chúng, với những tính chất như "phá cách", "siêu thực", "manga", "giải trí"... vẫn thường xuyên được gán cho thế giới của nhà văn này.


Nếu Kitchen làm được điều gì đó, là vì nó cũng không hề thiếu những nền tảng suy tư. Đó là một tác phẩm đã khơi nguồn cho một hình mẫu nhân vật sẽ được trở đi trở lại trong sáng tác của Banana - những con người phải luôn bước đi giữa nỗi buồn lặng lẽ bởi cô đơn, cảm thức về cái chết, những câu hỏi siêu hình nhỏ chốc chốc dội lại và ở phía bên kia, trong sự đối trọng, là niềm vui, sự say mê tìm lại được trong cuộc sống tỉ mỉ đời thường, trong mỗi dáng vẻ được nâng niu và cảm thông của những người xung quanh, là vẻ đẹp và tình yêu đủ để xua đi những dự cảm mơ hồ, u ám.


Trong một thứ văn xuôi đã tiến gần đến thơ, tiết độ và gọt giũa, tác phẩm của Banana Yoshimoto gợi ra cái không khí vừa thuần khiết vừa u hoài của tâm trạng, trên ranh giới mong manh của những gì được nói ra một cách tằn tiện và những gì được giữ lại kìm nén trong tâm tư thầm kín của nhân vật. Nhưng rồi cũng vậy, văn của Banana Yoshimoto đã khác xa thứ văn chương truyền thống của đất nước cô, buồn rầu mà không khắc kỷ, nhẹ nhõm chứ không chất chứa lý tưởng. Nhân vật của cô, ngay từ ban đầu, đã chẳng mang vác bất cứ gánh nặng lý tính nào, chẳng có chút tham vọng về sự nhập cuộc xã hội, lý tưởng nào ngoài cuộc sống riêng tư và đời thường của cá nhân. Họ chỉ cư ngụ trong cái vòng nhỏ của gia đình, bè bạn, một vài người quen, trong cái ốc đảo nội tâm của riêng họ. Và nhà văn, trong cái không gian bé nhỏ đó đã làm nổi bật lên cách thế tồn tại của họ, ngọn lửa hâm nóng trái tim họ, khi sinh lực, tuổi trẻ, sự cảm thông giữa người với người đã trở thành câu chuyện quan trọng nhất.


Ở lần ra mắt này tại Việt Nam, Kitchen đã được dịch một cách ngọt ngào, nhuần nhuyễn bởi dịch giả trẻ Lương Việt Dzũng. Có lẽ điều đáng nói là thứ văn xuôi tinh tế, thanh thản, cùng sự trong trẻo của câu chữ trong bản dịch mang lại cốt cách Nhật Bản trong thời hiện đại, khiến người ta hiểu vì sao Banana Yoshimoto có thể trở nên một tác giả thật khó quên.


(evan.com.vn)