Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2007

Kitchen

Yoshimoto, Banana


Một câu chuyện về sự mẫn cảm và bản chất ưa tình cảm của con người, với vẻ đẹp riêng hiếm có, vừa quẩn quanh lại vừa mênh mang, đã mang tên tuổi Banana Yoshimoto ra khắp thế giới.


Tên sách: Kitchen
Tác giả: Banana Yoshimoto
Dịch giả: Lương Việt Dzũng
Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam


Banana Yoshimoto có lẽ là một cái tên ít nhiều còn xa lạ với độc giả Việt Nam, tuy rằng đã gần hai mươi năm nay, cô gái viết văn này đã tạo nên một cơn sốt gọi là "Banana ghenso" (hiện tượng Banana) giữa những người yêu thích thứ văn chương nghiêng về nội tâm của cô, và có lẽ, đã vượt qua được cái nhất thời của một cây bút trẻ và thời thượng bởi những phẩm chất có thực về văn chương và tinh thần, trở thành một tiếng nói vô cùng hấp dẫn của văn học Nhật. Cùng với những tên tuổi như Haruki Murakami và Ryu Murakami... Banana Yoshimoto, với một lối biểu cảm đơn giản, hiện đại, trong đó cuộc sống cân bằng của cá nhân là một trong những chủ đề xuyên suốt nhất, đã thực sự góp phần thay đổi bộ mặt của văn học Nhật Bản hiện đại.


Bìa cuốn "Kitchen"
"Còn lại tôi và bếp. Dẫu sao như thế vẫn còn hơn nghĩ rằng chỉ còn lại một mình".


Banana Yoshimoto được biết đến đầu tiên, chính là nhờ thiên truyện Kitchen này. Tác phẩm ra đời năm 1987, gắn liền với tên tuổi của cô như một dấu son trên văn nghiệp. Chuyện về một cô gái yêu bếp. Bếp là sự phản chiếu của con mèo đi tìm hơi ấm trong cô, là tiểu vũ trụ của một cô gái đô thị Nhật Bản đang buồn rầu, cô độc. Rồi trong căn bếp nơi một gia đình nọ, có một chàng trai và một người mẹ do người cha cải giới thành, cô tìm ra vẻ đẹp tâm hồn và sự ấm áp trong cuộc sống con người. Khi cô rời xa họ, bà mẹ mà cô đem lòng thương mến bất ngờ bị cái chết mang đi. Trong nỗi đau đớn, sự đồng điệu với người con trai càng trở nên sâu sắc... Và câu chuyện đơn giản và đơn tuyến đó, rút cục lại có thể khiến người ta cảm động một cách cổ điển nhất, làm rơi đi cái vỏ của văn hóa đại chúng, với những tính chất như "phá cách", "siêu thực", "manga", "giải trí"... vẫn thường xuyên được gán cho thế giới của nhà văn này.


Nếu Kitchen làm được điều gì đó, là vì nó cũng không hề thiếu những nền tảng suy tư. Đó là một tác phẩm đã khơi nguồn cho một hình mẫu nhân vật sẽ được trở đi trở lại trong sáng tác của Banana - những con người phải luôn bước đi giữa nỗi buồn lặng lẽ bởi cô đơn, cảm thức về cái chết, những câu hỏi siêu hình nhỏ chốc chốc dội lại và ở phía bên kia, trong sự đối trọng, là niềm vui, sự say mê tìm lại được trong cuộc sống tỉ mỉ đời thường, trong mỗi dáng vẻ được nâng niu và cảm thông của những người xung quanh, là vẻ đẹp và tình yêu đủ để xua đi những dự cảm mơ hồ, u ám.


Trong một thứ văn xuôi đã tiến gần đến thơ, tiết độ và gọt giũa, tác phẩm của Banana Yoshimoto gợi ra cái không khí vừa thuần khiết vừa u hoài của tâm trạng, trên ranh giới mong manh của những gì được nói ra một cách tằn tiện và những gì được giữ lại kìm nén trong tâm tư thầm kín của nhân vật. Nhưng rồi cũng vậy, văn của Banana Yoshimoto đã khác xa thứ văn chương truyền thống của đất nước cô, buồn rầu mà không khắc kỷ, nhẹ nhõm chứ không chất chứa lý tưởng. Nhân vật của cô, ngay từ ban đầu, đã chẳng mang vác bất cứ gánh nặng lý tính nào, chẳng có chút tham vọng về sự nhập cuộc xã hội, lý tưởng nào ngoài cuộc sống riêng tư và đời thường của cá nhân. Họ chỉ cư ngụ trong cái vòng nhỏ của gia đình, bè bạn, một vài người quen, trong cái ốc đảo nội tâm của riêng họ. Và nhà văn, trong cái không gian bé nhỏ đó đã làm nổi bật lên cách thế tồn tại của họ, ngọn lửa hâm nóng trái tim họ, khi sinh lực, tuổi trẻ, sự cảm thông giữa người với người đã trở thành câu chuyện quan trọng nhất.


Ở lần ra mắt này tại Việt Nam, Kitchen đã được dịch một cách ngọt ngào, nhuần nhuyễn bởi dịch giả trẻ Lương Việt Dzũng. Có lẽ điều đáng nói là thứ văn xuôi tinh tế, thanh thản, cùng sự trong trẻo của câu chữ trong bản dịch mang lại cốt cách Nhật Bản trong thời hiện đại, khiến người ta hiểu vì sao Banana Yoshimoto có thể trở nên một tác giả thật khó quên.


(evan.com.vn)

Không có nhận xét nào: