Banville, John
Cuốn sách đoạt giải Booker 2005 của John Banville, qua sự chuyển ngữ bậc thày của Trịnh Lữ, một "tác phẩm ngôn từ" đã được tái hiện đẹp đẽ trong tiếng Việt.
Tên sách: Biển
Tác giả: John Banville
Dịch giả: Trịnh Lữ
Nhà xuất bản Văn học
Biển được thuật lại bởi Max Morden, một người đàn ông mới góa vợ. Ông đến một vùng nghỉ mát ven biển nơi mình đã trải qua kỳ nghỉ hè với cha mẹ khi còn là một đứa trẻ. Bề ngoài, ông đang làm một khảo cứu về họa sĩ Bonnard, nhưng thực chất chính sự lôi cuốn của biển và quá khứ đã dẫn ông về đây. Vẫn đau buồn về cái chết của người vợ Anna, vẫn vật lộn với nỗi đau phải chứng kiến người thân yêu của mình mòn mỏi rồi ra đi, trong khi bản thân mình vẫn tồn tại, cùng nỗi khó khăn khi phải tiếp tục sống, một mình.
Bìa cuốn "Biển".
Sự lôi cuốn của biển nơi vùng đất riêng biệt này trở nên mạnh mẽ với những lý do không phải đã rõ ràng ngay lập tức. Nhưng đó không chỉ đơn thuần là nỗi hoài tiếc tuổi thơ đã mất, hay một chuyến trở về với mảnh đất hạnh phúc, an toàn và giản dị hơn của ngày xưa. Quả thực, còn có bóng tối, sự dữ dội và tiêu điều của vùng biển, gợi lại một ký ức vừa ngọt ngào vừa đau đớn.
Câu chuyện là sự trở đi trở lại giữa hiện tại và quá khứ, giữa chuyện mới xảy ra, cái năm tai họạ khi Anna suy sụp rồi chết, tới mùa hè thời niên thiếu khi cậu bé Max Morden trải qua cùng với gia đình Grace, một gia đình trung lưu đã đến vùng biển để nghỉ hè. Đầu tiên cậu bị người mẹ thu hút, nhưng khi đến gần hơn hai đứa con sinh đôi nhà Grace, Chloe và Myles câm lặng, thì rốt cuộc, cậu quay sang mê mẩn cô con gái. Sự thất thường kỳ dị của Chloe, và mối quan hệ gần gũi của cô gái này với đứa em trai – một mối liên kết không thể hiểu nối với người ngoài - đã là một điều bí ẩn đối với Max, theo cái cách thế giới với tất cả những điều còn chưa biết đến của nó đều khiến những đứa trẻ vừa mê mẩn vừa hạnh phúc, cái thế giới nguyên sơ, tăm tối, đầy cảm giác đó. Rồi cái chết sau đó của hai chị em sinh đôi, như một chấn thương đầu đời của Max, cũng là lần đầu tiên cái chết hiện ra, đột ngột, lạnh lẽo, đơn giản, không thể hiểu nổi với một đứa trẻ. Sau này, cái chết của Anna vừa đồng vọng, vừa làm sống dậy những ký ức sâu sa đó, trên cái nền vĩ đại và sống động của biển.
Với Biển của Banville, ký ức cũng có thể chơi trò chơi của mình, và hành trang của Max chính là một hòa trộn giữa những sự kiện sáng rõ và những câu hỏi tự thân. Banville đã miêu tả một cách bậc thày, việc chúng ta sống lại quá khứ như thế nào - quá khứ là một hòa trộn giữa những ký ức ta chọn và những ký ức thống trị ta, và những chuyển dịch giữa sáng rõ tuyệt đối và mơ hồ mơ mộng. Max tưởng tượng mình đang sống đơn độc trong những ký ức được nhớ lại từ quá khứ, nhưng ông nhận ra - và từng bước chứng thực - rằng ký ức không thường hằng, cái dải mờ có khe rạn đó, rằng nó, quả thực như một sự cương phồng khổng lồ vĩnh viễn đổi thay, đó chính là biển cả.
Biển mang lại cho ta cảm giác về một câu chuyện thật tình cờ, một người đàn ông buồn khổ uống quá nhiều rượu và suy ngẫm lại cuộc sống một cách ngẫu nhiên. Những cú nhảy giữa hiện tại, quá khứ với Anna và thời thơ ấu của Max, hầu như đã che giấu việc câu chuyện đã được xây dựng xuất sắc đến mức nào, với biết bao những manh mối nhỏ về những điều khác biệt được rải rác cài trong các đoạn. Đó là cuốn sách xứng đáng để ta đọc đi đọc lại nhiều lần. Cũng như vậy, ngôn từ của Banville có thể làm độc giả choáng ngợp, với những câu như “bát nước khổng lồ kia đang cương phồng lên như một vết phỏng rộp xanh lét bóng nhẫy một cách ác hiểm” và cứ như thế... Ở đây, tình tiết đã bị đe dọa lấn át bởi phong cách.
Cuối cùng, chỉ xin dẫn lời của John Crowley của tờ The Washington Post dành cho tác phẩm xuất sắc đoạt giải Booker 2005 của một bậc thày về ngôn từ của không chỉ văn chương nước Anh:
"Dường như Max (và người sáng tạo ra mình) không chỉ tham gia vào việc tạo nên những hành động của nhân vật xuyên qua thời gian - một công việc bình thường của tiểu thuyết - mà vẽ nên những khoảnh khắc khi tất cả đã ngưng đọng lại, như trong một bài thơ hay một bức tranh... Sức mạnh, sự lạ lùng, và vẻ đẹp của những đoạn văn trong đó chính là tất cả, và là một điều kỳ diệu".
Sự kỳ diệu đó có thể được cảm nhận đầy đặn qua một bản dịch có thể được coi như một dấu son trong sự nghiệp dịch của bất kỳ một dịch giả tài ba nào. Quả thực, lần này nữa là với Biển, Trịnh Lữ đã làm được nhiều cho tình yêu của ông dành cho tiếng Việt mẹ đẻ.
Anh Minh tổng hợp
(evan.com.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét